MetubM

Mạng Video YouTube đang chuyển dịch từ dịch vụ miễn phí sang trả phí?

Mạng video lớn nhất có thể sẽ chuyển mình mạnh mẽ bằng cách ra mắt tới hai dịch vụ trả phí gồm Music Key và một dịch vụ khác hướng tới các nhà sản xuất video nổi tiếng nhất cũng như fan hâm mộ của họ.

YouTube được biết đến là mạng video lớn nhất thế giới, cho phép người dùng thoải mái xem video mà không bị hạn chế; thế nhưng, trong thời gian tới đây, mạng video này sẽ có những sự thay đổi lớn có thể làm thay đổi trải nghiệm người dùng. Tất cả dự kiến sẽ diễn ra ngay trước khi năm 2015 kết thúc. 
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, YouTube đang chuẩn bị tung ra hai dịch vụ trả phí gồm Music Key (đã chạy beta từ tháng 11 năm ngoái) và một dịch vụ khác chưa rõ tên gọi nhưng hướng tới các nhà sản xuất nội dung cho trang chia sẻ video này, đồng thời yêu cầu người dùng trả phí để sử dụng. Nếu các nguồn tin này là chính xác, YouTube sẽ trở thành một trang video với tổng hợp rất nhiều loại hình dịch vụ: miễn phí hoàn toàn, nội dung được hỗ trợ bởi quảng cáo, và các video chất lượng cao đòi hỏi người dùng bỏ tiền ra mới cho sử dụng. 
Từ trước tới nay, ngoại trừ một phần video "đi thuê", YouTube luôn là một dịch vụ miễn phí và kiếm tiền từ quảng cáo đi kèm. Tuy nhiên, công ty thuộc sở hữu của Google này đang thực sự quan tâm tới mô hình kinh doanh trả phí, tạo ra nhiều phương pháp để các nhà sản xuất video kiếm tiền từ người sử dụng. Mặc dù việc YouTube cùng lúc tung ra tới hai dịch vụ trả phí nghe có vẻ không phù hợp (một công ty trong ngành âm nhạc còn gọi đây là chính sách "vô cùng lạ lẫm), tuy nhiên, chính sách của YouTube được ví giống như của các công ty truyền hình cáp vốn cung cấp các gói dịch vụ riêng cho một lĩnh vực nào đó như thể thao hay phim ảnh. 
Với hơn 1 tỷ người dùng, quy mô của YouTube là đủ lớn để điều hành nhiều dịch vụ khác nhau. Thế nhưng, những thay đổi trong thời gian tới có thể gây ra phản ứng trái chiều trong ngành âm nhạc. Các công ty trong ngành này mặc dù vẫn hợp tác với YouTube để "đôi bên cùng có lợi", nhưng mối quan hệ giữa hai bên thường xuyên ở tình trạng căng thẳng do mâu thuẫn về lợi ích. Khi nghe tin YouTube sắp tung ra các dịch vụ trả phí, các hãng âm nhạc chia thành hai phe: một bên ủng hộ; còn một bên hoài nghi, rằng YouTube sẽ không bao giờ ra mắt chính thức Music Key. Nhóm này còn lấy dẫn chứng việc Google không quảng bá mạnh mẽ cho dịch vụ Google Play Music để kết luận rằng hãng tìm kiếm không mặn mà với các dịch vụ âm nhạc. 
Video giới thiệu Music Key:
Nhóm ủng hộ các dịch vụ trả phí của YouTube, dẫu vậy, cũng không phải hoàn toàn không có những nghi ngại nhất định. Một số hãng âm nhạc nói rằng, mặc dù thích Music Key, họ nghi ngờ về việc YouTube và Google có dành sự ưu tiên để phát triển các dịch vụ âm nhạc hay không. Những nghi ngờ càng lên cao khi mà một số thỏa thuận giữa YouTube và các hãng ghi âm lớn sẽ hết hạn trong 2016. Một số phân tích cho rằng YouTube chỉ đang cố tìm cách để "lấy lòng" các hãng ghi âm này nhằm chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mới. Việc Google nhiều lần trì hoãn ra mắt Music Key cũng được lấy ra làm minh chứng cho nhận định này. 
Mâu thuẫn giữa các hãng ghi âm và YouTube đã tồn tại từ nhiều năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hãng ghi âm phàn nàn rằng YouTube trả cho họ quá "bèo", không xứng đáng với chất xám họ bỏ ra trong các video âm nhạc - trong khi các video này chiếm một lượng đáng kể traffic (lưu lượng truy cập) của YouTube. Ở chiều ngược lại, mạng video của Google cho rằng họ đã chi ra hàng tỷ USD để trả cho các hãng ghi âm trong ít năm gần đây. Nhiều hãng ghi âm bày tỏ mong muốn YouTube sẽ có một dịch vụ âm nhạc trả phí - thay vì miễn phí hoàn toàn rồi kiếm tiền từ quảng cáo như hiện nay. Họ cho rằng cách làm này sẽ giúp mình có lợi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. 
Với người dùng, những sự thay đổi của YouTube trong thời gian tới có thể sẽ thay đổi trải nghiệm của họ trên trang video này. Video âm nhạc sẽ không còn được miễn phí nữa, và người dùng sẽ phải bỏ tiền ra nếu muốn nghe chúng. Đây quả là một thông tin không mấy vui vẻ, bởi mặc dù trên thị trường đang có khá nhiều dịch vụ stream nhạc (và một số dịch vụ cho stream miễn phí như Spotify), YouTube vẫn là nền tảng stream nhạc lớn nhất trên thế giới. 45 trong số 50 video được xem nhiều nhất trên YouTube là video nhạc. Đây là điểm đến thường xuyên của giới trẻ muốn thưởng thức các tác phẩm âm nhạc của các ca sỹ, nghệ sỹ mà họ yêu thích. 
Hiện nay, các hãng âm nhạc đã bắt đầu ngồi lại với nhau nhằm thảo luận cách tối ưu dịch vụ âm nhạc trả phí. Một trong số các phương án đang được cân nhắc là cho người dùng nghe miễn phí video nhạc trong một thời gian nhất định rồi yêu cầu trả tiền để nghe tiếp. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Theo một báo cáo của trang Theverge hồi tháng 4/2015, YouTube cũng đang phát triển một dịch vụ trả phí khác hướng tới các nhà sản xuất video nổi tiếng nhất cũng như fan hâm mộ của họ. Với dịch vụ này, người dùng sẽ không bị quảng cáo làm phiền, đồng thời được lưu video về để dùng offline. Ngoài ra, người sử dụng cũng được phép truy cập vào các nội dung "chất lượng cao" (premium). Nếu mọi chuyện suôn sẻ, YouTube sẽ có nhiều gói dịch vụ trả phí khác nhau, trong đó mỗi gói sẽ chuyên về một mảng nội dung và hướng tới đối tượng người dùng nhất định: gói Music Key chuyên về âm nhạc, gói dành riêng cho trẻ nhỏ, game thủ...
YouTube từng đạt doanh thu 4 tỷ USD trong 2014, và với các dịch vụ trả phí nói trên, mạng video này có thể sẽ tìm được đường đi giúp thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, hãng sẽ phải cẩn trọng nếu muốn chuyển dịch từ mô hình kinh doanh bằng dịch vụ miễn phí sang trả phí, bởi rất có thể sẽ có những phản ứng mạnh mẽ từ các bên. YouTube từng vấp phải sự phản đối khi gây áp lực, yêu cầu các nghệ sỹ độc lập (indie artist) tham gia dịch vụ Music Key của mình hồi năm ngoái. Hãng còn đe dọa khóa kênh của các nghệ sỹ này nếu từ chối tham gia. Bên cạnh đó, việc Music Key liên tục bị trì hoãn cũng cho thấy rằng YouTube đã gặp muôn vàn khó khăn ngay chỉ với một gói dịch vụ, chứ chưa nói đến việc tung ra hàng loạt gói khác nhau dành cho từng đối tượng người dùng riêng.
YouTube, cũng như các hãng âm nhạc: Universal Music, Sony Music, và Warner Music, hiện chưa có bình luận gì về các thông tin trên.
Metub.com.vn tổng hợp từ Internet  (Theo Theverge)

Xem nhiều tuần qua